Kinh Nghiệm Luyện Thi TOEIC
Mình đã từng tự luyện thi TOEIC như thế nào?
November 29, 2021
Bài học từ cái tên
Mẹ và con gái, bài học từ cái tên
November 30, 2021

Vỡ òa trong hạnh phúc – tận hưởng cảm giác feel good

feel good

feel good

Hôm nay lại có một chuyện khiến mình quá hạnh phúc mà mình cần phóng to nó lên để tận hưởng và cũng là động lực để mình tiếp tục phấn đấu. Nên mình lại viết bài để khoe đây ạ.

Như bài viết hôm qua mình có nói, vì nguyên nhân khách quan mà mình nghỉ dạy ở trường cũ và dấn thân vào bảo hiểm. Sau hai tháng làm bảo hiểm và trong lúc còn quá hoang mang với nghề đó, mình đã xin đi dạy lại ở một trường cao đẳng khác. Trước đây dù cũng dạy cao đẳng và trung cấp, nhưng sinh viên của mình là các bạn ra quân sau 18 tháng thực hiện nghĩa vụ quân sự, nên tâm lý của các bạn khác hoàn toàn với sinh viên của trường mới. Các học sinh ở trường mới đa số là học sinh mới tốt nghiệp lớp 9, không đậu vào các trường trung học phổ thông mới vào trường nghề với hi vọng của bố mẹ là có được cái bằng cao đẳng sau 4 năm. Trên 90% đi học theo định hướng, ép buộc của phụ huynh. Ở trường cũ, dù làm công tác chủ nhiệm cũng không liên quan đến phụ huynh mà chỉ liên quan đến học sinh. Ở trường mới, mình vừa phải động viên các em, vừa phải trao đổi với phụ huynh về tình hình của các em.

Mình được giao chủ nhiệm một lớp năm nhất, vào học được 1 học kỳ sau khi vừa tốt nghiệp lớp 9. Ngay khi nhận lớp này, mình đã nhìn ra quá nhiều vấn đề. Lúc đó, mình chỉ mong sao có thể làm bạn với học trò, khiến học trò tin tưởng, đồng thời trao đổi với phụ huynh về việc định hướng tương lai cho các em. Việc đầu tiên mình làm là ngồi nói chuyện với từng em học sinh để nắm được cơ bản hoàn cảnh của các em nhằm mục tiêu giúp các em tìm lại hứng thú trong học tập. Sau khi nói chuyện mình mới nhận ra rằng, chỉ có hai bạn thường xuyên nói chuyện với mẹ, và hai bạn đó quả thật tâm lý rất khác với các bạn còn lại và rõ ràng có hứng thú hơn hẳn trong việc học. Các bạn còn lại không thể kết nối được với bố mẹ, mỗi lần nói chuyện với bố mẹ là thế nào cũng xảy ra tranh cãi hoặc chẳng bao giờ nói chuyện với bố mẹ. Nhưng mình nhìn ra, tận sâu trong đáy lòng, nếu bố mẹ chịu hiểu một chút tâm lý của các em, chịu bỏ chút thời gian làm bạn với các em, thì tình hình sẽ khác.

Về phần phụ huynh, có một vài phụ huynh hiểu và thông cảm cho con của mình, đó chính là hai phụ huynh của hai em kia. Ngược lại, đa số phụ huynh luôn muốn kiểm soát gắt gao mọi hành động của con, không tin tưởng vào con của mình, thậm chí còn nói con là loại học sinh cá biệt. Trong group trao đổi của mình với phụ huynh, mình luôn muốn truyền tới thông điệp hãy tin tưởng các em, hãy trao cho các em quyền lựa chọn, hãy làm bạn với con… Lúc đầu, một vài phụ huynh luôn luôn giữ quan điểm cố hữu của mình và cho rằng các bạn cá biệt thì mới vào trường nghề. Thậm chí, nhiều hôm mình còn bị mắng là làm giáo viên chủ nhiệm mà không có tâm bởi vì mình không thông báo lịch học, không thông báo lịch vắng cho phụ huynh để phụ huynh có thể kiểm soát thời gian đi và về. Mặc dù lịch học thì có sẵn, còn phần điểm danh được làm online trên phần mềm, chỉ cần có tài khoản của học sinh là có thể vào theo dõi được. Cũng may mình đã học qua lớp TDRM, nhiều lúc nghe phụ huynh nói mình cực kỳ nóng trong người, máu dồn lên não nhưng mình vẫn cố gắng bình tĩnh, để nó sang một bên và tiếp tục làm việc của mình, và trả lời lại phụ huynh sau khi mình đã bình tĩnh. Sau khi nhìn nhận lại vấn đề, mình thấy rằng:

1. Phụ huynh tức giận vì mình không cập nhật lịch, thì mình sẽ chiều theo ý phụ huynh là cập nhật lịch trình ở trường cho phụ huynh.
2. Bên cạnh đó vẫn luôn luôn truyền đi thông điệp hãy tin tưởng các em, hãy giúp các em tìm được hứng thú trong học tập thay vì ép buộc.

Mình xin trích một tin nhắn mà mình đã gửi cho phụ huynh:

“Em phần nào hiểu được tâm trạng lo lắng của anh, chắc bạn đã làm cho anh buồn phiền rất nhiều.
Phụ huynh nào cũng muốn con mình ngoan ngoãn nghe lời, em là giáo viên, cũng rất muốn các bạn học trò của mình ngoan ngoãn nghe lời.

Điều đầu tiên khi nhận chủ nhiệm lớp này, em luôn phải suy nghĩ cách để học trò tin tưởng mình, học trò có tin tưởng thì lúc đó các bạn mới nghe em nói được. Sẽ cố gắng nói chuyện với các bạn nhiều hơn để hiểu rõ các bạn hơn.

Sau nhiều lần nói chuyện, em nhận thấy học trò đi học vì bị ép buộc rất nhiều. Vậy bây giờ phải làm sao để các bạn thấy ngành học này là cần thiết để từ từ thấy yêu thích nó.

Trước đây em đi học CNTT là do định hướng của bố mẹ, bố mẹ nói ra trường dễ xin việc, em học theo và thực sự lúc mới đi học không biết một thứ gì, sử dụng máy tính thế nào cũng không biết, em cảm thấy quá khó khăn khi học ngành này. May sao, em vẫn thích sư phạm nên em đã chọn con đường làm giáo viên. Và nhờ thích công việc này mà em đã cố gắng để học các kiến thức hữu ích nhất phục vụ cho giảng dạy.

Qua nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu, em đã tốt nghiệp SĐH nhưng em vẫn xách ba lô đi học liên tục để cập nhật những kiến thức mới nhất, cần thiết nhất.

Và em đúc kết rằng, kiến thức mình chỉ có thể học được hiệu quả khi mình có mục tiêu với nó, và tìm được một điểm nào đó trong ngành học khiến mình hứng thú. Có thể lúc đầu chưa có, nhưng nếu nỗ lực, sẽ tìm ra được.

Và khi đi làm, chúng ta cũng chỉ làm tốt và đạt được thành công nếu chúng ta hứng thú với nó. Và chúng ta có kỹ năng mềm tốt, có lòng tự tin với công việc. Em nghĩ rằng phụ huynh cũng hiểu điều này.

Vậy chúng ta hãy cùng nhau tìm cách để con em mình tìm được mục tiêu với việc học CNTT được không ạ?”

Và hôm nay, sau gần 4 tháng giảng dạy ở trường mới, lần đầu tiên một hạt mầm đã nảy nhờ vào sự gieo hạt và chăm sóc của mình. Đó là người phụ huynh mà trách mắng mình nhiều nhất đã gọi điện trực tiếp để cảm ơn và liên tục lặp lại lời xin lỗi mình sau cuộc nói chuyện với con của anh ấy. Phụ huynh ấy kể lại “Con của anh đã nói rằng, từ lúc đi học tới giờ, lần đầu tiên con được học với một giáo viên mà cô coi chúng con như những người bạn; cô tâm sự với chúng con và con bắt đầu có hứng thú với học tập”

Cảm giác hạnh phúc vỡ òa thật sự các bạn ạ. Vậy nên, cho dù có khó khăn đến đâu, chỉ cần lạc quan, phân tích mọi khía cạnh, đi tìm giải pháp cho từng vấn đề nhỏ, rồi mọi việc sẽ được giải quyết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *