50 BÀI HỌC GIÁO DỤC TỪ NGƯỜI MẸ CÓ BA CON TRAI THEO HỌC STANFORD
8 GIÁC NGỘ KHI LÀ PHỤ HUYNH
Tuyên ngôn bà mẹ giáo dục: Việc giáo dục trẻ không chỉ là bồi dưỡng khả năng học tập, mà còn là quá trình hình thành nhân cách tổng hợp cả về thể chất và tinh thần. Để con được sống trong môi trường tốt nhất, xung quanh là bạn bè và thầy cô ưu tú, tiếp nhận nhiều kích thích từ đó có thể tự giác học hành.
Hai vợ chồng xác định rõ phương châm giáo dục: Cho dù ý kiến của hai người có khác nhau cũng nên bỏ chút thời gian từ từ trao đổi. Hai vợ chồng cũng cần thường xuyên thảo luận, đạt được tiếng nói chung. Khi cần đưa ra quyết định quan trọng, hai vợ chồng phải thương lượng với nhau, đây là điều quan trọng nhất.
Phụ huynh chịu tất cả trách nhiệm giáo dục: Trường học và giáo viên chỉ là người hỗ trợ quan trọng, trong việc giáo dục con cái, về cơ bản tất cả mọi trách nhiệm đều do phụ huynh gánh vác.
Cho con tắm trong tình yêu vô hạn: Trong quá trình trưởng thành, con người cảm nhận được tình yêu mới biết tin tưởng người khác. Tin tưởng người khác thì sẽ biết tin tưởng bản thân mình. Muốn tưới đẫm tình yêu cho con, không phải cứ ở bên con nhiều là được. Nếu chỉ có một chút thời gian, hãy nâng cao “nồng độ” của nó lên, hãy vui vẻ skinship với con, vui chơi với con, nói chuyện với con, khiến con cảm thấy “Ở bên mẹ vui nhất”. Trẻ nhỏ rất nhạy cảm, nếu bạn toàn tâm toàn ý giao lưu với chúng, thì chắc chắn con có thể cảm nhận được tình yêu của bạn. Do đó, hãy thể hiện tình yêu với con một cách không ngại ngùng, càng mạnh dạn càng tốt, để trẻ được “lớn lên trong tình yêu”.
Nhớ kỹ, luôn luôn ưu tiên con: Thời kỳ sơ sinh và ấu nhi, cơ thể và đại não của trẻ phát triển rất nhanh chóng. Trong thời gian ngắn ngủi đó, người lớn cố gắng phối hợp với trẻ điều chỉnh nhịp điệu cuộc sống. Nếu hạ quyết tâm làm được điểm này bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng. Dần dần, tâm tình của trẻ trở nên ổn định thì việc nuôi dạy con sẽ thú vị hơn nhiều.
Không khiển trách, thử khen ngợi một cách phù hợp: Hãy liên tục động viên, cổ vũ cho đến khi thật lòng thấy trẻ tiến bộ mới khen hết lời. Trẻ sẽ tin tưởng bạn, sẽ nghĩ “người này đang nói thật với mình” sau đó sẽ coi những lời khen ngợi này là sự động viên đối với bản thân, không ngừng tiến bộ trưởng thành.
Tuyệt đối nghiêm cấm đòn roi: Phạt đánh hoặc mắng có thể khiến trẻ tạm thời xin lỗi nhưng cùng với thời gian đa phần vẫn xảy ra những sai lầm tương tự, tức là con đã không nghe lời dạy dỗ của bạn từ tận đáy lòng. Hãy cho con thấy, bất luận con là đứa trẻ như thế nào, mẹ vẫn yêu con. Nếu có thể dành đủ thời gian trao đổi thẳng thắn, triệt để với con để chúng chấp nhận từ tận đáy lòng, chúng sẽ hiểu và luôn ghi nhớ trong tim không bao giờ quên.
Đừng hi vọng quan hệ cha mẹ và con cái như hai người bạn: Bản thân mối quan hệ cha mẹ con cái dung hòa không có vấn đề gì, nhưng nhất định không được để con trẻ hiểu lầm. Hãy dạy dỗ con cái lễ phép, luôn kính trọng cha mẹ và có lòng biết ơn với người lớn trong nhà. Muốn vậy, cha mẹ phải ra dáng cha mẹ, thể hiện tâm thế sống nghiêm túc, đúng mực, mang lại cuộc đời không hổ thẹn với bản thân cho trẻ.
11 MỤC TIÊU GIÁO DỤC:
Có ước mơ: Giáo dục là một quá trình dạy trẻ biết ước mơ. Cho chúng biết thế giới này có rất nhiều khả năng, cho chúng những công cụ và tri thức cần thiết để thực hiện giấc mơ, khiến chúng có dũng khí thực hiện giấc mơ của mình. Và dạy cho chúng biết, cho dù gặp phải khó khăn cũng phải có dũng khí đứng lên làm lại, cho dù đã đạt được mục tiêu cũng phải khiêm tốn, không khoe khoang. Hãy để các con có những giấc mơ vĩ đại, không bị hạn chế, khiến trời đất kinh ngạc. Cha mẹ giáo dục con vì những giấc mơ đó, và đốc thúc chúng cố gắng để đến gần giấc mơ này.
Có thể tự khẳng định bản thân: Mục tiêu đầu tiên của giáo dục là tự khẳng định mình. Bởi vì một nội tâm tự công nhận được bản thân chính là cơ sở để hình thành nhân cách. Để làm được điều đó, đầu tiên, quan trọng nhất là “không so sánh với người khác”. “Khác với người khác không phải là chuyện xấu, ngược lại, đó chính là một món quà trời ban”. Hàng ngày nói những lời này với con, chúng sẽ hình thành quan niệm không cần miễn cưỡng bản thân để phù hợp với người khác, cứ là chính mình là được.
Trái tim mở rộng: Một đứa trẻ có lòng tự tôn, trái tim cũng sẽ rộng mở. Để con có lòng tự tôn, hãy thường xuyên nói với con “Là chính mình là được. Phải tin vào chính mình. Tiềm lực của con là vô hạn. Chúng ta cùng phát triển sở trường của mình nhé”. Ngoài ra, cũng cần thường xuyên nói “Phải đối xử tốt với người khác. Muốn bảo vệ bản thân cũng phải bảo vệ người khác nữa.
Có thể phát triển tài năng của mình: Hãy quan sát thật kỹ để phát hiện tiềm lực và tài năng của trẻ từ đó liên tục cổ vũ để giúp con phát triển tài năng của chúng. Đồng thời, hãy nói với trẻ “Nói ra suy nghĩ của con xem nào” để trẻ tích cực, tự do thể hiện bản thân, thể hiện ưu điểm của mình ra.
Biết quên mình: Nếu được, hãy thường xuyên cùng các con tham gia các buổi từ thiện, tìm những việc có thể khiến chúng quên mình như: nhặt rác xung quanh nhà, chủ động nói chuyện với những đứa trẻ bị bắt nạt, giúp người già đi lại khó khăn xách đồ…để trẻ có tư tưởng chủ động hành động vì người khác. Từ những hành động nhỏ đó, trẻ sẽ thấy được bản thân mình có giá trị tuyệt vời dần dần có năng lực tự khẳng định mình,
Có trái tim biết ơn: Cảm ơn vì có cơm ăn, cảm ơn vì có nước uống, cảm ơn vì có điện…, một trái tim biết ơn giúp trẻ không quên cảm ơn mọi thứ xung quanh.
Không bị tiền bạc khống chế: Dạy con những thứ tiền không thể mua được. Không dựa dẫm vào tiền sẽ không bị tiền chi phối. Hướng dẫn trẻ chơi những trò chơi không cần bỏ tiền ra mua. Mình thường hay chơi các trò chơi đố chữ, đoán tên lúc chờ hoặc lúc rảnh. Mỗi lần con muốn mua đồ chơi là mình sẽ hỏi con và hướng dẫn con tìm những thứ trong nhà có thể thay thế cho đồ chơi đó.
Có dũng khí khác biệt: Dạy con coi trọng cá tính của bản thân, không ngại nói ra suy nghĩ của mình, không hùa theo người khác, không bẻ cong ý kiến của cá nhân mà thỏa hiệp. Thường xuyên nói với con: “Đừng biến thành người núp dưới cái bóng của người khác, cho dù bị đả kích, nhưng làm người dẫn đầu còn tốt hơn nhiều”
Không sợ thất bại: Thường xuyên khích lệ con: “Cho dù thất bại, cứ coi nó là một bước buộc phải trải qua trước khi bước sang giai đoạn tiếp theo là được. Bất cứ việc gì cũng đều có dụng ý của nó cả”. “Chỉ cần tìm cách đem thất bại chuyển hóa thành động lực thành công là được”.
Lựa chọn con đường đi khó nhất: Hãy thường xuyên khuyến khích con “Khi đưa ra lựa chọn quan trọng, hãy chọn con đường khó đi nhất”. Điều này buộc các con phải cố gắng nhiều hơn để nâng cao bản thân mình. Ví dụ: Khi không biết có nên xin lỗi hay không, việc khó hơn là xin lỗi, do đó, nên chủ động xin lỗi.
Biết báo ơn: Con người luôn sống trên cơ sở giúp đỡ lẫn nhau, thấu hiểu tha thứ cho nhau. Do vậy phải biết cảm ơn báo đáp người xung quanh. Nhân lúc bản thân còn khả năng phải giúp đỡ người khác. Nhưng khi bản thân gặp khó khăn cũng đừng ngại ngùng mở miệng nhờ người khác giúp đỡ, không cần cảm thấy sẽ làm phiền người khác. Tất cả mọi người đều như nhau cả thôi.
15 LOẠI SỨC MẠNH MUỐN TẶNG CHO CON
Trí lực: trước 8 tuổi, cho trẻ xem nhiều, nghe nhiều, tiếp xúc nhiều, gặp gỡ nhiều người, chứng kiến nhiều chuyện để gia tăng khớp thần kinh não bộ.
Khả năng đọc hiểu: Muốn con thích học hành thì việc đầu tiên chính là khiến chúng yêu đọc sách. Thường xuyên đọc sách cùng con, khuyến khích con đọc và kể lại nội dung cho bố/mẹ nghe giúp trẻ nắm rõ nội dung và có thể tóm tắt đơn giản, là một hình thức cho não tập thể dục. Thường xuyên dẫn trẻ đi thư viện, nhà sách...
Khả năng tập trung: Cùng con chơi các trò chơi, giúp con kiên trì làm điều chúng hứng thú, tiến hành một số hoạt động trong thời gian dài, cần nhẫn nại, khả năng tập trung sẽ được nâng cao. Ví dụ: Nấu ăn, giải đố, lego, xếp gỗ…Quan trọng nhất là “cùng tham gia với cha mẹ”
Khả năng tưởng tượng: Kể cho trẻ nghe câu chuyện hư cấu mình tự sáng tác, để khả năng tưởng tượng của trẻ được vận hành hết tốc độ. Việc này cũng giúp trẻ tạo ra những ký ức thuộc về gia đình, một cách thể hiện tình yêu của cha mẹ.
Khả năng thấu hiếu xuyên quốc gia: Cùng nhau chúc mừng ngày lễ truyền thống của các nơi trên thế giới, trẻ sẽ cảm nhận được sự đặc sắc của các nền văn hóa khác nhau, để trẻ cảm thấy thú vị trước lịch sử, văn hóa của các nước. Trẻ sẽ chủ động tìm hiểu ý nghĩa các ngày lễ và lịch sử của cách hoạt động truyền thống ở các nước. Điều này cũng giúp trẻ cảm thấy tự hào về quốc gia mình, bồi dưỡng lòng yêu nước. VD: Tết dương lịch, tết âm, Lập xuân, tết Đoan ngọ, ngày của mẹ, ngày của cha, tết Trung thu, Halloween, lễ Tạ ơn, lễ Giáng sinh…Hơn nữa, khi giao tiếp với người nước ngoài, có thể hiểu về bối cảnh lịch sử và truyền thống của nước họ hay không, có tiếng nói chung với tâm thể của họ hay không, đó là điểm mấu chốt của cuộc trò chuyện.
Khả năng học tập: Học điều mới mẻ là đem đến bữa tiệc thịnh soạn cho đại não, bổ sung vitamin cho não. Nếu không ngừng cung cấp thông tin mới mẻ, thú vị cho trẻ, bản thân trẻ sẽ hiểu được niềm vui học hành.
Có sức khỏe tốt: Dạy trẻ ăn uống lành mạnh, ăn thực phẩm tươi sống, nhiều rau xanh, hoa quả, không ăn thực phẩm được chế biến sẵn, không uống đồ ngọt. Việc ăn nhiều đường sẽ khiến trẻ trở nên hưng phấn, không thể tập trung tinh thần và rất khó bình tĩnh. Thường xuyên nói với con: “Con là thức ăn con ăn vào, phải suy nghĩ kỹ càng rồi hãy ăn”
Khả năng phán đoán: Thường xuyên đặt ra câu hỏi, cung cấp dữ liệu cho các con suy nghĩ, giúp trẻ tạo thành suy nghĩ trong đầu mình, để trẻ nắm được tình hình, đưa ra lựa chọn, khiến trẻ có thể suy nghĩ độc lập. Nếu bản thân trẻ tự mình cảm nhận rằng ý kiến của mình có thể giúp đỡ người khác, được người khác áp dụng, chúng sẽ hiểu rằng việc động não suy nghĩ và đưa ra ý kiến là việc tốt. Đồng thời, cả quá trình từ dùng cái đầu của mình để suy nghĩ, phán đoán tình huống, đưa ra lựa chọn độc lập, cuối cùng chịu trách nhiệm về kết quả.
Khả năng đặt câu hỏi: Những đứa trẻ thường xuyên đặt câu hỏi có suy nghĩ chu toàn sẽ trở thành một đứa trẻ có suy nghĩ độc lập, có thể nhận được nhiều tri thức hơn. Thường xuyên nói với con nếu có điều gì không hiểu, bất luận là cái gì đi nữa, nhất định phải đặt câu hỏi; khi con hỏi, hãy khen con; khi không biết câu trả lời, hãy nói mẹ cũng không biết, chúng ta cùng tìm hiểu; và nhất định phải trả lời với tâm thế nghiêm túc, cẩn thận.
Khả năng lắng nghe, trình bày ý kiến: Để trẻ tham gia vào các cuộc trò chuyện giúp bồi dưỡng khả năng lắng nghe, giao tiếp. Và những đứa trẻ có khả năng lắng nghe, đầu óc sẽ trở nên thông minh hơn. Thường xuyên bàn luận với con về mọi thứ: tin tức hàng ngày, chia sẻ chuyện vui, chuyện buồn với con để các con cùng cảm nhận niềm vui, nỗi buồn đó.
Khả năng cảm nhận quan sát: bí quyết là bố mẹ duy trì việc kể với con những tình huống gây ấn tượng trong ngày và gợi ý con kể lại những tình huống ấn tượng của chính con. Điều này giúp bạn nắm bắt được hoạt động một ngày của con, biết được con vui hay buồn, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, an ủi con. Việc này cũng hữu ích đối với việc học của trẻ, trẻ sẽ chú ý hơn những chuyện đã xảy ra trong ngày, cả cách sắp xếp và diễn đạt, nó cũng bồi dưỡng năng lực nhận thức ở trẻ.
Khả năng cười: Người không hài hước thì trông sẽ không ung dung. Thường xuyên pha trò, kể những câu chuyện, chơi những trò chơi gây cười, luôn giữ một chút hài hước với con để từ từ tự nhiên bồi dưỡng khiếu hài hước ở con.
Khả năng kiềm chế: Trước khi trẻ vào cấp ba, là thời kỳ đại não phát triển rất mạnh, không nên để chúng sa đà vào những thứ có tính phụ thuộc cao như trò chơi điện tử và truyện tranh. Thay vào đó, hãy giúp con chơi những trò chơi thú vị, kích thích hơn, đọc nhiều sách hơn để trẻ phát huy trí tưởng tượng, vận động toàn thân nhiều hơn.
Khả năng tùy cơ ứng biến: Thay vì bắt trẻ mỗi ngày đều tuân theo một quy luật bất biến, sống theo lịch trình, thì cho trẻ một cuộc sống đầy kích thích, linh hoạt mỗi ngày sẽ kích hoạt trí não của trẻ.
Khả năng nghi vấn: Thử tiến hành đặt câu hỏi nghi vấn đối với bất cứ sự vật nào, những chủ ý về câu từ mới, phát hiện mới hoặc sự thú vị mới đều nảy sinh từ đó. Nói với con, tin tức trên báo, trên tivi chưa chắc đều là thật, thậm chí, kiến thức trong sách vở cũng có thể sai, do đó, trước tiên nên có thái độ hoài nghi, không thể một mực tin vào một thông tin. Cho dù thông tin gì đều cần hỏi cho cặn kẽ gốc rễ, suy xét từ nhiều góc độ, hiểu biết đầy đủ tình hình thực tế là vô cùng quan trọng
9 PHƯƠNG PHÁP BỒI DƯỠNG MỘT ĐỨA TRẺ HIẾU HỌC
Nói rõ với con lý do cần phải đi học: tuyệt đối không nói với con những câu nói tiêu cực về đi học như nếu con không đi học thì sẽ trở thành ngu dốt, nếu con không đi học thì sau này sẽ phải đi bán vé số,… mà hãy nói học tập là một việc vô cùng chính đáng, vì tương lai của chính mình cần phải học, được đi học là một điều may mắn, là một phần thưởng của đời người, và bố mẹ cũng cần giải thích rõ cho con những lợi ích khi được đi học, và ứng dụng vào thực tế như thế nào, làm cho con hiểu đây là một việc vô cùng quan trọng
Lơ lửng giữa chừng là vất vả nhất: Ngay từ lúc bắt đầu, phải hạ quyết tâm làm cho đến cùng, làm cho rõ ràng việc học tập. Động đến vấn đề nào không hiểu, phải không được xấu hổ mà đi hỏi, hỏi đến ngọn ngành, đến khi hiểu mới thôi. Cha mẹ phải chú ý đến tình trạng của con, sau đó kịp thời giúp đỡ, phụ trách dạy đến khi trẻ hiểu thì thôi.
Cùng con làm bài tập cho đến khi lên cấp 2: Trước khi con vào cấp 2, cố gắng cùng con làm bài tập. Việc này có thể vô cùng mất thời gian và cần sự kiên nhẫn. Nhưng nó chắc chắn là cơ hội để cha mẹ và con cái thân thiết với nhau hơn. Cha mẹ xem con làm bài tập vừa biết môn học sở trường, sở đoản; vừa có thể kiểm tra xem con có biết làm bài tập hay không, cũng là cách để cùng các con hưởng thụ niềm vui học tập. Để con có một ấn tượng: Học tập không hề khó mà còn rất vui. Sau khi lên cấp 2, trẻ cần học cách tự quản lý bản thân. Cha mẹ tốt nhất là lùi một bước để cổ vũ con cái. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn phải tiếp tực quan tâm đến nội dung bài tập và đề mục báo cáo ở một mức độ nhất định, để cổ vũ trẻ, đưa ra những lời khuyên chân thành.
Mở rộng sở trường chính là có thể nâng cao sở đoản: Thay vì ép con học các môn không thích, cha mẹ có thể để cho con nghiên cứu sâu những môn học mà con thích, để chúng có thể cố gắng hết sức nâng cao trình độ. Việc này sẽ khiến trẻ tự tin hơn vào học tập, những môn không sở trường ít nhiều cũng trở nên khá hơn một chút. Học sinh giỏi là một đứa trẻ có điểm trung bình tất cả các môn đều cao. Trái lại, có một môn học sở trường xuất sắc, còn những môn học khác ở mức độ như cách bạn khác sẽ thú vị hơn nhiều. Đứ trẻ như thế tương lai sẽ trở thành nhân tài.
Làm thế nào để giành được thành tích tốt: Trong học tập, điểm số không phải là quan trọng nhất. Nhưng muốn vào được trường tốt thì thành tích tốt chỉ là yêu cầu thấp nhất. Vì thế duy trì thành tích thi cử tốt là điều rất cần thiết. Do đó, việc đầu tiên là phải làm cho con cái thích việc thi cử. Hưởng thụ việc thi cử chắc chắn có thể dành được thành tích tốt. Đối diện với thi cử, chỉ cần các con mang tâm trạng giống như đang chơi trò chơi là được, vậy, thi cử sẽ trở nên vui vẻ. Điều quan trọng là tuyệt đối không được tiếc công sức, phải làm việc với sự cố gắng 120%.
Khiến con thích thi cử và học tập: “Chỗ nào sai, hãy thử làm thêm lần nữa xem”. Chỉ cần con thực sự hiểu nội dung bài học, thì không có vấn đề gì cả. Hiểu rồi thì nội dung của bài tiếp theo nhất định sẽ học được. Ngược lại, nếu không hiểu nội dung bài học, dần dần không theo được tiến độ trên lớp, thậm chí còn ghét việc học, đương nhiên đến lúc đi thi sẽ không được điểm cao. Gắn việc học ở trường với cuộc sống thì trẻ sẽ lĩnh hội được ý nghĩa chân chính của việc học từ đó cũng sẽ giành được điểm số cao trong các kỳ thi. Điều này không thể thiếu sự nỗ lực và kiên trì của cha mẹ.
Cần phải biết tiếng Anh: Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, Thông tin được viết bằng tiếng Anh là chủ yếu. Có khả năng ngôn ngữ, cho dù ra nước ngoài cũng có thể tự tin giao lưu, tiếp xúc với người khác. Dạy tiếng Anh từ nhỏ bắt đầu từ đọc sách tranh tiếng Anh, dần dần đọc cho trẻ nghe một vài tác phẩm văn học thiếu nhi, xem một vài bộ phim điện ảnh và chương trình truyền hình dành cho trẻ em nước ngoài, học hát vài ca khúc. Lợi dụng mọi cơ hội để trẻ tiếp xúc với tiếng Anh chuẩn. Động lực chính là nằm ở chỗ phải khiến cho trẻ cảm nhận một cách thiết thực rằng tiếng Anh rất hữu ích với thực tế. Liên tục dùng hình thức tiếng Anh cung cấp cho trẻ những thứ mà trẻ cảm thấy thích thú. Nếu cha mẹ không biết tiếng Anh, có thể học cùng con.
Hoàn thiện nhân tính bằng âm nhạc, nghệ thuật và thể thao: một cá nhân mà có thể cảm nhận được thứ mà ngôn ngữ không thể diễn tả được, người đó có được năng lực tư duy sâu sắc. Do đó, về âm nhạc, cho dù là loại nhạc cụ gì, chỉ cần biết chơi một loại là được, cũng không cần phải đạt đến trình độ cao siêu. Chơi thể thao là hoạt động tốt nhất để bồi dưỡng cơ thể và tâm hồn. Đặc biệt là ở những môn thể thao đồng đội, cần sự hòa hợp giữa các thành viên, có thể bồi dưỡng tinh thần biết ưu tiên nghĩ đến tập thể. Lòng cầu tiến, sự nhẫn nại, năng lực lãnh đạo… đều có thể học được qua thể thao. Nên nhân lúc còn nhỏ, giúp trẻ tìm thấy môn thể thao mà trẻ thích, sau đó khuyến khích và cổ vũ trẻ.
Vận dụng thành thạo mạng internet: Hiện nay thế giới đã bước vào một giai đoạn hoàn toàn mới, các bậc cha mẹ cũng phải cố gắng nhanh chóng học hỏi những ưu thế và cả nguy cơ của những sự vật mới, từ đó giáo dục con cái tốt hơn. Khi giao thiết bị di động cho con, các cha mẹ phải thương lượng với các con nên sử dụng như thế nào và dặn dò trẻ phải chú ý việc bảo mật thông tin riêng tư. Tự do biểu đạt ý kiến của mình nhưng phải có tính xây dựng và không được gây tổn hại đến quyền lợi của người khác. Phải xử lý một cách sáng suốt những mối quan hệ ở trên mạng.
6 GỢI Ý ỨNG PHÓ VỚI TRẺ TRONG THỜI KỲ DẬY THÌ
Giúp con hiểu cấu tạo của hormones: Khi con tầm 8-9 tuổi, có thẻ bắt đầu làm công tác chuẩn bị cho thời kỳ dậy thì. Đầu tiên, có thể dạy về cấu tạo của hormones, những tác động của hormones đến sự phát triển của cơ thể. Cổ vũ con, cho con xem những tranh minh họa miêu tả sự biến đổi cơ thể của nam và nữ, bắt đầu giáo dục giới tính đơn giản. Sớm nói cho trẻ biết cảm xúc của mình sẽ không ổn định, dễ nảy sinh nóng giận, bực bội, chúng có thể bình tĩnh sớm hơn, bước qua giai đoạn khó khăn của thời kỳ dậy thì một cách nhẹ nhàng hơn.
Xác nhận cái tôi của mình: Xác định cái tôi chính là có thể trả lời 3 câu hỏi: “tôi là ai”, “tại sao tôi ở đây”, “sau này tôi sẽ đi đâu”. Một đứa trẻ đã xác lập được cái tôi của mình, mỗi ngày sẽ đều cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa và có thể sống một cuộc đời có mục tiêu. Do đó, cha mẹ đều có thể cùng con cái trong giai đoạn dậy thì hỏi chúng 3 câu hỏi trên. Đồng thời chia sẻ với con những ưu phiền, cùng suy ngẫm, giúp đỡ con, để chúng có thể phát hiện ra ý nghĩa sự tồn tại của bản thân, và khẳng định cái tôi của mình.
Không phân biệt kì thị: Chúng ta không nên sợ hãi sự khác biệt. Trái lại, nếu có thể vui vẻ đón nhận những khác biệt này, vòng tròn bạn bè sẽ mở rộng hơn. Nếu mọi người cùng công nhận sự khác biệt của nhau, thì sẽ có thể hiểu nhau, và có được hòa bình.
TÌnh yêu là một kinh nghiệm nhân sinh quan trọng: Trong xã hội hiện đại, những thông tin về tình dục lan tràn. Trước khi trẻ còn chưa bị nhiễm những giá trị quan sai lầm, hãy tạo một bầu không khí con cái có thể cùng cha mẹ trò chuyện về chủ đề tình dục, giới tính một cách chân thành và cởi mở là rất quan trọng và cần thiết. Nếu không muốn tình yêu trở thành tảng đá cản đường học tập của trẻ thì đừng cấm đoán việc nói đến chuyện tình dục và giới tính. Hơn nữa, điều quan trọng là phải dạy con biết yêu thương và bảo vệ đối phương.
Cùng con thảo luận về những vấn đề khó của triết học nhân sinh: sách “Thế giới của Sophie” là cuốn sách triết học nhập môn được viết với hình thức tiểu thuyết, có thể học được rất nhiều tư tưởng của triết gia, “Franny và Zooey” cuốn sách này viết về một nhân vận cảm thấy nghi hoặc trước vấn đề “liệu Chúa có tồn tại hay không”. Trên thực tế, việc liệu có tồn tại một sức mạnh to lớn vượt qua sự hiểu biết của con người hay không có rất nhiều điểm không thể nói rõ ràng được. Lúc con bắt đầu xuất hiện nỗi phiền não ghê gớm đó, cha mẹ phải xây dựng cho con một cột mốc vững chãi, trở thành đầu mối để con cái suy ngẫm. Cùng suy ngẫm, cùng phiền não, cùng đi qua những điều khó hiểu của đời người, cùng nhau tìm kiếm chân lý và nguồn cội của sự vật cũng là một phương diện vô cùng quan trọng trong tuổi dậy thì.
Sau khi tranh cãi, cuối cùng vẫn phải trao đổi trực tiếp: Nếu cha mẹ và con xích mích, cho dù chỉ bắt được một chút tín hiệu, thì cũng phải lập tức dùng hành động cụ thể, nỗ lực giải quyết vấn đề. Dùng hành động để bày tỏ tình yêu thương, hơn nữa, còn phải luôn đối thoại trực tiếp với con trẻ. Lòng chân thành khiến sắt đá cũng phải tan chảy, quan hệ cha mẹ con cái chắc chắn có thể phát triển theo hướng tốt đẹp lên.
Đường đến đại học Stanford: Phần này tác giả giới thiệu về con đường vào đại học Stanford và các con của tác giả.