Mẹ dạy tôi chịu thương chịu khó
Hồi mới vào, cha mẹ vất vả lắm, tôi chỉ nhớ mang máng là buổi sáng cha mẹ và một người chú sống chung với gia đình tôi chở rau lang bằng xe thồ từ nhà ra trung tâm để bán lấy tiền. Lúc tôi còn nhỏ, gia đình tôi sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm là chính. Hồi đó mỗi lần tằm ăn rỗi, ngày hái cả tạ dâu mới đủ cho tằm ăn, mà gặp trời mưa là cả nhà cùng canh ngớt mưa để hái dâu. Hái về còn phải hong cho nó khô rồi tằm mới ăn được, chứ ăn dâu ướt là tằm nó bệnh, nó chết thì thất thu. Lá dâu hồi đó nhỏ xíu, nhất là vào mùa dâu la, cây thấp lè tè, lá bằng hai ngón tay, ta nói, trẻ con như tụi tôi đi hái dâu mà lưng còn muốn gãy hết cả ra chứ nói gì tới người lớn. Việc của chúng tôi chỉ có canh đi hái dâu rồi thỉnh thoảng phụ mẹ thay phân tằm, cho tằm ăn thôi mà tôi đã thấy mệt mỏi rồi. Còn mẹ phải làm tất cả mọi việc khác để chăm sóc cho tằm, tằm bệnh thì phải bắt bỏ đi chứ không sẽ lây cho những con khác. Rồi đến lúc tằm chín, chúng tôi chỉ phụ mẹ bắt tằm bỏ lên né, còn lại những việc khác như: trở cho nó đều, rồi bắt tằm đôi (là những cái kén có hai con tằm, phải bắt một con ra nếu không người ta sẽ không mua). Những hôm như vậy, mẹ tôi thức khuya lắm, có khi cả đêm để làm. Nuôi tằm còn mệt hơn nuôi một đứa con nhỏ. Những lúc được giá thì còn có chút để thu, còn những lúc giá xuống thấp, rồi trời mưa kén ẩm phải hong khô, thương lái còn chê lên chê xuống do màu xấu, kén xấu, kén ẩm…
Bên cạnh nuôi tằm, nhà tôi còn trồng chè, hái dâu thì còn có cha, anh trai và em trai phụ, còn hái chè thì chỉ có một mình mẹ làm, và có tôi phụ vào. Hái dâu thì chỉ canh trời tạnh mới hái, nhưng đối với chè, có thời điểm mưa dầm cả tháng, nếu không hái thì chè sẽ dài quá, bán không được mà lứa sau lại không có thu. Nên những lúc như vậy lại phải đội mưa hái chè. Nhiều hôm mưa to quá, mẹ thương tôi nên cho tôi ở nhà, một mình mẹ dầm giữa trời mưa để làm việc.
Ngoài ra, nhà tôi cũng có trồng cà phê nữa, mỗi lúc đến mùa thu cà phê là cả làng đều bận rộn như nhau. Nếu không thu kịp, gặp trời mưa là cà phê chín rụng đầy gốc, mẹ tiếc công cả năm chăm sóc, lúc thu hoạch xong lại lụi cụi đi nhặt từng hạt cà phê rụng ở gốc cây.
Đó chỉ là kể đến việc thu hoạch, còn những công việc khác để chăm sóc cho dâu, chè, cà phê để có thu thì làm quanh năm không hết việc. Rồi có một thời mẹ còn nuôi bò, nuôi heo, nuôi gà, tất cả mọi việc đa số một tay mẹ làm. Đối với mẹ, chỉ có lúc cần nghỉ để đi đâu mới có nghỉ, chứ công việc thì không bao giờ hết.
Không biết bao nhiêu lần, giờ cơm đã đến, mọi người đã ngồi vào bàn nhưng mẹ vẫn cặm cụi ngoài vườn. Hay những hôm hoãn cơm trưa để hái cho xong mấy luống chè. Ngày còn nhỏ, tôi không bao giờ hiểu được cớ gì mà mẹ phải vất vả như vậy, và tôi luôn nghĩ rằng, mình sẽ chẳng bao giờ siêng năng được như mẹ. Nhưng khi đi làm, tôi thấy mình cũng giống mẹ rất nhiều. Tôi không nề hà công việc. Một khi không làm thì thôi, nhưng khi đã làm gì, tôi sẽ phải làm cho xong dù đã trưa muộn, chiều tối hết giờ làm, hay ban đêm khi đã đến giờ đi ngủ.
Mẹ dạy tôi mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh
Mẹ không may mắn như những người khác, bà ngoại tôi mất từ khi mẹ còn rất nhỏ, dù được sống trong tình yêu thương của dì, nhưng mẹ vẫn phải bươn chải từ khi còn nhỏ, và mẹ đã lớn lên, trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ.
Tôi còn nhớ, mùa hè năm tôi học lớp 3, đang quá trình sửa lại căn nhà cũ thì có sự cố nên nhà tôi bị cháy sạch sành sanh không còn một thứ gì, may mắn là mọi thành viên trong gia đình đều an toàn. Ngày đó tôi nhớ mãi không bao giờ quên, mẹ khóc, chúng tôi khóc, nhiều người khóc thương cho hoàn cảnh vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Khi tôi vào lớp 4, đồng phục không có để mặc, suốt ngày phải mặc đồ bộ ở nhà đi học, bị cô giáo mắng, mẹ lại cố gắng đi xin cho tôi ở đâu được mấy bộ đồ, quần còn bị rách đầu gối chứ chẳng được lành lặn gì. Vậy đó, sau bao nhiêu năm làm lụng vất vả, mọi thứ trở lại từ đầu.
Rồi năm tôi học cấp 2, trong gia đình tôi xảy ra rất nhiều chuyện không vui, nhưng mẹ vẫn cố gắng vượt qua tất cả để gia đình được êm ấm.
Đã nhiều lần tôi nghĩ, không biết làm sao mẹ có thể vượt qua được những chuyện đó. Và may mắn cho chúng tôi, nhờ có người mẹ kiên cường, chúng tôi mới có thể có được cuộc sống như ngày hôm nay.
Mẹ dạy tôi biết cách yêu thương
Có thể mẹ không khéo léo, không giỏi giao tiếp, mẹ không tâm lý như nhiều người mẹ khác, mẹ cũng không phải là nơi để tôi trút bầu tâm sự mỗi khi có chuyện vui buồn, nhưng mẹ có một tình yêu thương chân thành đối với những người xung quanh. Tình yêu của mẹ đối với chúng tôi cũng đơn giản lắm, mẹ làm tất cả mọi việc để ba anh em chúng tôi có thể học tập nên người.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi biết đi xe đạp là năm lớp 6, trường cách nhà 4km, lần đầu tiên tôi đạp xe đi học, tan trường từ 5h mà 7h chưa về tới nhà, trời tối thui, mẹ lo lắng đi bộ dọc đường để kiếm. Và may mắn là tôi an toàn và gặp mẹ trên đường về.
Vậy mà, cũng giống như nhiều đứa con tuổi Teen khác, tôi cũng có thời kỳ nổi loạn ghê gớm lúc học cấp 3. Tôi đua đòi theo các bạn khác mà không nghĩ gì đến sự vất vả của cha mẹ ở nhà. Những hôm đi học về tối mịt, hoặc ở lại nhà bạn, cho dù mẹ lo lắng gọi điện tìm kiếm, nhưng chưa một lần nào mẹ đánh mắng tôi vì chuyện đó. Mẹ chỉ âm thầm quan sát, thấy tôi an toàn là mẹ yên lòng.
Khi có dâu, có rể, mẹ đối xử như với chính con đẻ của mình. Mẹ chăm sóc hai cháu nội từ khi lọt lòng cho tới khi đi học. Tôi cũng qua hai lần ở cữ tại nhà ngoại để nhận được sự chăm sóc của mẹ.
Mẹ được ông bà nội yêu thương ngay từ khi mới về làm dâu. Hiện nay, bà nội đang sống với gia đình tôi, mẹ có thể làm tất cả để chăm sóc bà, để bà được khỏe mạnh và vui lòng.
Mẹ dạy tôi chắt chiu, tiết kiệm
Với một hoàn cảnh khó khăn như vậy, để ba anh em chúng tôi được học hành nên người, mẹ đã tiết kiệm tất cả mọi thứ. Cho tới ngày chúng tôi đi làm, mẹ hiếm khi mua cho mình một bộ đồ, hoặc có mua thì cũng phải đắn đo, đong đếm các kiểu rồi mới mua, mua rồi thì bao giờ cũng sử dụng đến khi nào không thể dùng thêm được nữa mới thôi.
Như ở trên tôi có viết, thời kỳ học cấp 3 là thời kỳ tôi nổi loạn ghê gớm, và nó cũng kéo dài cho đến khi tôi học đại học, tôi không biết chắt chiu, tiết kiệm, tôi tiêu xài hoang phí. Và tôi cũng không biết đến sự vất vả của mẹ. Tôi chỉ cần biết, mỗi khi tôi cần tiền, chỉ cần gọi điện về cho mẹ, vậy là mẹ lại tìm cách để gửi cho tôi số tiền tôi cần.
Cho mãi đến sau này khi đi làm, tôi mới thấy được sự cần thiết của tiết kiệm, tôi cần chắt chiu thì mới có thể lo cho tương lai, lo cuộc sống của các con. Và chính lúc này, tôi mới nhận ra rằng, khả năng tiết kiệm của mẹ ảnh hưởng đến tôi rất lơn, tôi biết thứ gì là cần, thứ gì là muốn, biết thứ gì mình nên mua và thứ gì không, để có thể chi tiêu cho hợp lý. Nhờ vậy, dù tiền lương của hai vợ chồng tôi làm được không cao, nhưng chúng tôi vẫn có một cuộc sống đầy đủ, vẫn có thể mua được những thứ cần thiết, vẫn dành được một khoản cho học tập, phát triển bản thân.
Bây giờ tôi cũng đang làm mẹ, tôi biết chắc rằng, con cái vẫn nhìn vào cha mẹ để học tập. Cho dù có thời điểm con có thể nổi loạn, con có thể xa cách. Mọi hành động của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến hành vi tương lai của con cái. Nhưng trong bản thân con, cha mẹ luôn là người thầy trọn đời, con cái luôn là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Do vậy, lời cuối để nhắn nhủ đến bản thân và cả những người đang làm cha mẹ: Hãy luôn là tấm gương sáng cho con học tập.