Nếu bạn có một đứa con đang tuổi lên 2, lên 3, chắc hẳn bạn sẽ không ít lần đối mặt với cảnh bé khóc lóc ăn vạ. với anh chàng 2 tuổi tên là Sunny ở nhà thì phải nói là, có khi anh ấy khóc cả 2 tiếng chỉ để đòi đi chơi. Nếu là bạn, bạn sẽ xử lý thế nào?
1. Bỏ mặc để con tự khóc rồi tự nín
2. Thỏa hiệp, đồng ý làm theo yêu cầu của con
3. Thỏa thuận, hứa sẽ đem cho con một món đồ thay thế để con nín khóc
Với mình, để giải quyết vấn đề này, **đầu tiên**, mình hiểu rằng việc bé khóc lóc, ăn vạ là 1 hành vi bình thường trong giai đoạn phát triển của trẻ em. Lý do là bé chưa có đủ ngôn ngữ và nhận thức để diễn đạt điều bé muốn hay không muốn. Thực tế, bé thường dùng việc khóc để cho mình biết bé cần giúp đỡ khi gặp rắc rối, để đạt được điều bé muốn, để ngăn mình đưa bé vào một hoạt động bé thấy chán… Điều này có nghĩa là bé sẽ có những lúc gặp khó khăn về điều khiển cảm xúc, sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt và những lúc như vậy sẽ dẫn đến kết quả là cơn lốc giận giữ có thể hình thành. Và chính cha mẹ là người có thể giúp bé học được những bài học sau mỗi lần ăn vạ. Những bài học đó giúp bé phát triển những kỹ năng như kiểm soát cảm xúc, phát triển nhận thức và thể hiện rõ ràng những điều muốn và không muốn.
Tiếp theo, mình sẽ xác định nguyên nhân gây ra việc ăn vạ ở con và giải quyết ngay nguồn năng lượng đó.
😭 Nếu nguyên nhân gây ăn vạ là việc bé gặp rắc rối trong một tình huống nào đó, ví dụ như việc bé không thể mở được chiếc lọ, hay không biết cách chơi một món đồ chơi, thì việc của mình đơn giản chỉ là ngồi xuống bên cạnh con, hỏi con một cách rõ ràng: con không biết mở cái lọ này ra bằng cách nào đúng không? mẹ mở giúp con nha, lần sau nếu con muốn mở nó mà không được thì con hãy nhờ ba, mẹ hoặc chị hai mở cho nhé. Hoặc: con không biết chơi trò này như thế nào đúng không? mẹ sẽ chỉ cho con chơi nhé (chị hai sẽ chỉ cho em chơi nhé)…
😭 Nếu nguyên nhân gây ra khóc lóc, ăn vạ là do bé muốn đạt được điều bé muốn, khi đó, mình sẽ xem xét coi điều bé muốn có thực sự cần thiết không và giải quyết theo tình huống phù hợp.
🥛 Nếu chỉ đơn giản là bé đòi uống nước mà lại khóc lóc ăn vạ, thì mình sẽ nói với con: (1. Nói lại mong muốn của con) Con khát nước ah, con muốn uống nước đúng không? (2. hướng dẫn bé cách nói khi gặp tình huống tương tự) vậy thì con hãy nói với mẹ là “mẹ ơi, cho con xin miếng nước”, nào con nói theo mẹ nhé “mẹ ơi, cho con xin miếng nước”… đây là tình huống thường xuyên gặp phải đối với những bé từ 2-3 tuổi, và vì mình là mẹ, mình cần kiên trì lặp đi lặp lại những bước như vậy, từ từ bé sẽ học được cách nhờ giúp đỡ bằng lời nói chứ không phải bằng cách khóc ăn vạ.
👼 Nếu nguyên nhân gây ra khóc lóc ăn vạ là do bé muốn đòi hỏi một điều gì vô lý. Ví dụ, Bé nhà mình thích ăn sữa chua, dù đã ăn một hũ rồi nhưng liên tục đòi ăn thêm một hũ nữa. Hoặc buổi chiều ngủ dậy hay đòi đi ra ngoài chơi ngay, bé có thể gào khóc ầm ỹ, lăn lê giữa nhà, lôi kéo mẹ, đẩy mẹ, thậm chí là cắn mẹ, mè nheo đủ kiểu để đạt được mong muốn. Lúc đó, việc của mình là phải cứng rắn và kiên nghị trong suốt thời gian bé ăn vạ. Đối với việc này, các bước của mình thường làm sẽ là:
(1) Lặp lại mong muốn của con, (2) Liên tục khẳng định đòi hỏi của con là không được bằng lời nói cứng rắn, và (3) giải thích cho con lý do tại sao không được làm chuyện đó. Các bước xử lý này mình cũng áp dụng cho cả với cô con gái 7 tuổi khi nàng đòi hỏi một điều gì đó vô lý, trước đây và bây giờ vẫn vậy.
Ví dụ:
* Khi bé ăn vạ đòi ra ngoài chơi: (1) Con muốn ra ngoài chơi lắm đúng không? (2) bây giờ chưa ra ngoài chơi được, (3)trời đang rất là nắng, mà mẹ còn chưa xong việc. Đợi trời hết nắng mẹ sẽ cho ra ngoài chơi. (nếu bé cắn mẹ, mình sẽ nói: Con cắn mẹ làm mẹ đau lắm, mẹ không đồng ý việc con cắn mẹ như vậy).
* Khi bé khóc lóc đòi ăn sữa chua (1) Con muốn ăn một hũ sữa chua nữa đúng không? (2) mỗi ngày mình chỉ được ăn một hũ sữa chua thôi, mà con vừa mới ăn một hũ rồi, vậy nên trong ngày hôm nay con sẽ không ăn thêm một hũ nào nữa, (3) ăn nhiều sữa chua quá trong một ngày là dễ bị đau bụng lắm, để ngày mai rồi mình ăn tiếp nhé.
* Hoặc nhiều khi đến giờ cơm, người này người kia cho bánh, cho kem, bé đòi ăn mình sẽ nói: (1) Con rất muốn ăn kem đúng không? (2) Nhưng bây giờ thì không ăn được, (3) sắp đến giờ ăn cơm rồi, nếu con ăn kem thì tí xíu nữa con sẽ không ăn được cơm nữa, vậy bây giờ mẹ sẽ cất kem vào trong tủ lạnh, đợi con ăn cơm xong mẹ sẽ lấy kem cho con ăn nhé.
Và vô số tình huống khác khiến bé khóc lóc ăn vạ sẽ xảy ra trong suốt giai đoạn này. Và trên thực tế, chỉ nói một lần những câu đó sẽ không hiệu quả, vì bé chưa hiểu chuyện đến thế. Do đó, việc của mẹ là phải xác định được nguyên nhân, kiên nhẫn và khẳng định, giải thích rõ về hành động của bé để từ từ bé sẽ biết cách thể hiện mong muốn của bản thân, biết những hành động nào là được phép, hành động nào là không được phép. Bé có thể khóc lóc tới 2 tiếng cho một đòi hỏi nào đó là bình thường, và dù vậy, mẹ vẫn phải kiên định cho tới cuối cùng, để bé biết được rằng, khóc lóc, ăn vạ sẽ không có tác dụng gì.
Một lưu ý nhỏ là để bé có thể học được cách chấp nhận và thay đổi trong cảm xúc, bố mẹ không được khuyên là dùng đồ chơi dụ dỗ bé hay đánh lạc hướng suy nghĩ của bé, tuy nhiên, cũng tùy theo trường hợp mà mình áp dụng cho phù hợp.
Và cuối cùng sau khi cơn giận giữ của bé qua đi mình không ngại cho bé cho bé cái ôm thể hiện sự hạnh phúc và cho bé thấy rằng, ồ, con đã vượt qua được sự cám dỗ một cách tuyệt vời bằng cách nói những lời khích lệ, động viên và công nhận bé như: Con đã rất cố gắng để “nhịn thèm” dù con muốn ăn nhưng đã không ăn vì con biết sắp đến giờ ăn cơm rồi.
Việc giúp bé giải quyết cơn giận giữ bằng cách này không chỉ giúp bé nhận thức được điều đúng sai cần làm, mà còn giúp bé học cách giữ bình tĩnh trước mọi việc, học cách trì hoãn sự thèm muốn tức thời, đây là một trong những kỹ năng cực kỳ quan trọng cho những thành công sau này của bé.
Hy vọng bài viết của mình có thể giúp ích cho các mẹ có con trong độ tuổi mầm non khi gặp những tình huống tương tự, cảm ơn các bạn đã đọc bài.